Nguyên lý làm việc của hệ thống treo phụ thuộc

Mục lục
Mục lục

Hệ thống treo là thành phần quan trọng cấu thành trên xe ô tô, quyết định lớn đến khả năng vận hành êm ái, ổn định và an toàn cho xe. Trong đó, hệ thống treo phụ thuộc là loại hệ thống phổ biến, thường được sử dụng trên một số dòng xe (chủ yếu là xe tải, xe bán tải hoặc xe địa hình). Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn chi tiết hơn về cấu tạo, chi tiết cũng như nguyên lý làm việc của hệ thống treo phụ thuộc. 

Xem thêm: Hệ thống treo phụ thuộc là gì? 

Cấu tạo và các chi tiết của hệ thống treo phụ thuộc

Hệ thống treo phụ thuộc có thiết kế đơn giản hơn so với các loại hệ thống treo độc lập. Đặc điểm chính của hệ thống này là hai bánh xe trên cùng một trục sẽ có sự liên kết và cộng hưởng với nhau. Khi một bánh xe di chuyển (nâng lên hoặc hạ xuống), bánh xe còn lại cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Vì vậy, khi có lực tác động lên một bánh xe sẽ ảnh hưởng đến bánh xe của phía đối diện.

Hệ thống treo phụ thuộc này thường đặt tại vị trí cầu sau của xe ô tô nhằm giảm trọng lượng và tiết kiệm không gian cho cabin xe. Tuy nhiên, với xe được trang bị loại hệ thống treo phụ thuộc/không độc lập này thường sẽ có độ êm ái kém hơn so với các loại hệ thống khác.

Hệ thống treo phụ thuộc

Các thành phần chính của hệ thống treo phụ thuộc bao gồm:

  • Thanh dầm ngang (Axle Beam): Đây là thành phần chính nối liền hai bánh xe với nhau. Thanh dầm có nhiệm vụ truyền tải lực từ bánh xe này sang bánh xe kia, giúp duy trì sự ổn định khi xe di chuyển.
  • Lò xo (Springs): Lò xo chịu trách nhiệm hấp thụ lực tác động từ mặt đường, giúp giảm chấn và duy trì sự thoải mái cho người ngồi trên xe.
  • Bộ giảm chấn (Shock Absorbers): Hệ thống giảm chấn có chức năng hấp thụ và làm tiêu tan các dao động do bề mặt đường gây ra, giúp tăng cường độ ổn định cho xe khi vận hành.
  • Thanh giằng (Control Arms): Thanh giằng kết nối trục với thân xe, giúp kiểm soát hướng di chuyển của bánh xe và giảm thiểu sự rung lắc.

Cùng tham khảo một số sơ đồ hệ thống treo phụ thuộc phổ biến dưới đây: 

Hệ thống treo phụ thuộc kiểu dầm cứng, lò xo xoắn

 Hệ thống treo phụ thuộc kiểu dầm trục

Hệ thống treo phụ thuộc kiểu dầm trục 4 thanh liên kết cứng

Nguyên lý làm việc của hệ thống treo phụ thuộc

Thực chất, nguyên lý hoạt động của hệ thống treo phụ thuộc khá đơn giản. Khi một trong hai bánh xe di chuyển, bánh còn lại cũng chịu tác động tương ứng. Cụ thể, khi bánh xe bên trái nâng lên do mặt đường gồ ghề, bánh xe bên phải cũng bị ảnh hưởng bởi cùng một lực, khiến cho cả trục xe dao động theo.

Hệ thống lò xo và bộ giảm chấn đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ các lực này, giúp xe không bị lắc lư quá nhiều. Nhờ đó, ngay cả khi xe đi qua các đoạn đường gồ ghề, xe vẫn giữ được độ ổn định tương đối. Tuy nhiên, do cả hai bánh xe trên cùng trục bị liên kết với nhau, khả năng kiểm soát và điều chỉnh độc lập giữa hai bánh sẽ hạn chế hơn. Dễ thấy nhất là khi xe di chuyển trên những đoạn đường có địa hình xấu, khúc khuỷu sẽ tăng nguy cơ mất ổn định và lật xe nếu tài xế không lái xe cẩn thận.

Hệ thống treo phụ thuộc

Ưu nhược điểm của hệ thống treo phụ thuộc

Ưu điểm

  • Khả năng chịu tải trọng cao,  phù hợp cho các loại xe tải và xe bán tải.  
  • Công nghệ chế tạo của hệ thống khá đơn giản và ít chi tiết, dễ lắp ráp và bảo dưỡng, từ đó tiết kiệm chi phí cho người dùng. 
  • Khi xe vào cua, thân xe ít bị nghiêng, mang lại cảm giác ổn định và an toàn cho người ngồi.  
  • Chuyển động lên xuống của bánh xe không làm thay đổi nhiều góc định vị, giúp lốp xe ít bị hao mòn. 

Nhìn chung, hệ thống treo phụ thuộc thích hợp cho các xe tải chở nặng hoặc có thể được lắp ở trục sau của các dòng xe phổ thông và xe con.

Xe bán tải Toyota Hilux là dòng xe tiêu biểu sử dụng hệ thống treo phụ thuộc

Nhược điểm

  • Khối lượng phần không được treo của hệ thống treo phụ thuộc khá lớn, và tính cứng nhắc của hệ thống khiến mỗi bánh xe không có sự linh hoạt riêng biệt, làm giảm đáng kể độ êm ái khi di chuyển.  
  • Khi hai bánh xe bên phải và bên trái chuyển động, chúng ảnh hưởng lẫn nhau thông qua hệ thống dầm cầu, gây ra hiện tượng dao động và rung lắc qua lại giữa các bánh xe.  
  • Khi vào cua ở tốc độ cao, đặc biệt trên mặt đường trơn trượt, xe dễ bị trượt bánh. Hiện tượng này dễ thấy nhất trên các dòng xe bán tải, như Toyota Hilux hoặc Ford Ranger thì xe có xu hướng dễ bị văng đuôi.

Sử dụng hệ thống treo phụ thuộc sẽ dễ khiến xe lật ngang nếu không di chuyển an toàn

Kết luận

Tại thời điểm hiện tại, dù đã lỗi thời so với các hệ thống treo mới như hệ thống treo độc lập nhưng hệ thống treo phụ thuộc vẫn còn được áp dụng khá nhiều ở các mẫu xe đời mới.  Nhờ vào sự đơn giản và khả năng chịu tải tốt, hệ thống này vẫn đáp ứng được các yêu cầu vận hành cơ bản, đem đến cảm giác lái thoải mái và an toàn cho người dùng.

Nếu bạn quan tâm đến các bài viết tin tức và kinh nghiệm bảo dưỡng, sử dụng xe ô tô, đừng quên theo dõi các bài viết mới nhất trên Caready hàng ngày nhé!


Bình luận

0/500