Xe cho thuê bị phạt nguội thì chủ xe hay người thuê đóng phạt?

Mục lục
Mục lục

Trường hợp cho thuê xe tự lái, sau khi thanh lý hợp đồng lại nhận được thông báo phạt nguội từ cơ quan chức năng luôn là nỗi lo lắng của nhiều chủ xe, cửa hàng dịch vụ cho thuê xe ô tô. Vậy trong trường hợp xe cho thuê bị phạt nguội này, ai là người phải chịu trách nhiệm? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này!

Xe cho thuê bị phạt nguội, chủ xe hay người thuê xe chịu trách nhiệm? 

Từ lâu, dịch vụ cho thuê xe tự lái vào các dịp lễ Tết, nghỉ lễ hoặc quanh năm đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, bởi hình thức này mang lại nhiều giá trị về kinh tế và lợi ích thiết thực cho cả chủ xe và các trung tâm cho thuê xe, thậm chí nhiều người có xe ô tô nhưng sử dụng không nhiều cũng tận dụng các dịp ngày nghỉ, lễ Tết để cho thuê xe kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt là khi dịp lễ Tết sắp đến, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê xe đã thông báo “hết hàng”, không đủ xe để cho thuê. 

Tuy nhiên, với tình hình các mức xử phạt giao thông được cập nhật vào đầu năm 2025, cùng việc   tăng cường xử lý phạt nguội ngày càng một được đẩy mạnh và xử lý nghiêm của cơ quan chức năng thì mô hình cho thuê xe cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về các vấn đề xử phạt khi tham gia giao thông. 

Nhiều trường hợp hi hữu khi các chủ xe bất ngờ nhận được thông báo phạt nguội sau khi đã thanh lý hợp đồng cho thuê xe. Ở tình huống như vậy, chủ xe "bắt đền" cũng không xong, mà bản thân bỏ tiền túi ra đóng phạt cũng không đành.  Vậy theo quy định của pháp luật, trường hợp thuê xe bị phạt nguội thì ai đóng tiền? Và vi phạm như vậy được quy định và xử lý như thế nào? 

Nhiều trường hợp phạt nguội oái ăm khiến chủ xe cho thuê phải đau đầu 

Theo Điều 80, Khoản 8, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về thủ tục xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ, đường sắt, trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ, mà cơ quan chức năng chưa kịp dừng phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, cũng như cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm.

Khi đó, chủ phương tiện có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng trong việc xác định người đã điều khiển phương tiện và thực hiện hành vi vi phạm. Điều này nhằm giúp cơ quan chức năng làm rõ vụ việc để xử lý đúng người, đúng tội.

  • Đối với chủ phương tiện là người sử dụng phương tiện cá nhân: nếu cá nhân đó không phối hợp với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được rằng mình không phải là người đã điều khiển phương tiện và thực hiện hành vi vi phạm, thì cá nhân đó sẽ bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm đã được phát hiện. Điều này có nghĩa chủ phương tiện cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm, mặc dù không phải chủ phương tiện là người trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

  • Đối với chủ phương tiện là tổ chức: nếu tổ chức không hợp tác với cơ quan chức năng, không cung cấp thông tin hoặc không giải trình được để xác định người đã điều khiển phương tiện và thực hiện hành vi vi phạm, tổ chức sẽ bị xử phạt tiền và và nhận mức phạt gấp đôi so với mức phạt quy định đối với hành vi vi phạm đã được phát hiện. Tuy nhiên, mức phạt này sẽ không vượt quá mức phạt tối đa mà pháp luật quy định. Có duy nhất một trường hợp ngoại lệ là phương tiện bị chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì chủ phương tiện hoặc tổ chức sẽ không bị xử phạt theo quy định này. 

Xét theo điều luật trên, trong trường hợp xe cho thuê bị phạt nguội, chủ xe sẽ là người được cơ quan chức năng liên hệ xử lý. Chủ xe có nghĩa vụ phải đến theo thông báo và phải hợp tác với lực lượng cơ quan chức năng để xác định người trực tiếp lái xe trong thời điểm vi phạm giao thông, đồng thời chứng minh bản thân không thực hiện hành vi vi phạm sẽ không phải nộp phạt nguội. 

Tuy nhiên, một rủi ro khác đó là nếu người vi phạm đã được xác định nhưng cố tình không nộp phạt nguội, chủ xe sẽ vướng vào rắc rối với việc đăng kiểm ô tô. Nếu quá hạn mà không nộp phạt, CSGT sẽ thông báo đưa phương tiện vào phần mềm cảnh báo đăng điểm, khiến xe sẽ bị từ chối đăng kiểm.

Trường hợp không xác định được người vi phạm hoặc không có minh chứng như hợp đồng thuê xe giữa hai bên, chủ xe là người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hành vi vi phạm đã bị dính phạt nguội.

Lưu ý khi cho thuê xe

Để tránh rắc rối khi phải nộp phạt nguội thay cho bên thuê xe, chủ xe cần quy định rõ trong hợp đồng cho thuê về trách nhiệm của bên thuê đối với các vi phạm giao thông. Nếu chủ xe phải nộp phạt thay, sẽ có căn cứ để yêu cầu bên thuê hoàn trả. Nếu bên thuê không trả, chủ xe có thể khởi kiện yêu cầu bên thuê thanh toán khoản tiền đó.

Cần lưu ý rằng, khi nhận bàn giao xe lại, chủ xe có thể yêu cầu bên thuê đặt cọc trong khoảng thời gian 15 ngày đến 1 tháng. Trong thời gian này, chủ xe cần kiểm tra kỹ lưỡng các vấn đề lưu thông và tra cứu phạt nguội ô tô trong quá trình cho thuê. Nếu phát hiện có lỗi vi phạm, chủ xe có thể chủ động khấu trừ khoản cọc để nộp phạt. 

Tra cứu thông tin phạt nguội sau khi thanh lý hợp đồng cho thuê xe để tránh phát sinh những vấn đề không mong muốn 

Bài viết này đã giải đáp thắc mắc cho bạn đọc về việc thuê xe bị phạt nguội thì ai đóng tiền, hy vọng bạn đọc đã nắm rõ và lưu thông an toàn, có trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và người tham gia giao thông. Đừng quên truy cập Caready mỗi ngày để đón đọc các tin tức về xe ô tô hấp dẫn nhé!


Bình luận

0/500