Có cần xin cấp lại bản cứng bằng lái đã tích hợp trên VNeID không?

28/12/2024. Tin tức
Mục lục
Mục lục

Với những người tham gia giao thông hiện nay, việc sử dụng bằng lái xe VNeID thay bản cứng truyền thống đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, khi mất bản cứng vẫn còn nhiều người băn khoăn có cần xin cấp lại giấy phép lái xe không? Có thể sử dụng giấy phép lái xe đã tích hợp trên VNeID thay bản cứng được không? Tất cả sẽ được đề cập ngay trong bài viết này. 

Có cần xin cấp lại GPLX tích hợp trên VNeID không? 

Quy định tại Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT, giấy phép lái xe (GPLX, hoặc bằng lái xe) chuẩn hợp lệ phải do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên GPLX trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý GPLX hoặc có thông tin GPLX đã được xác thực trên VNeID. 

Nếu người tham gia giao thông bị mất GPLX bản cứng vẫn có thể sử dụng GPLX đã được xác thực trên VNeID khi tham gia giao thông, không được tính là vi phạm lỗi không có GPLX hoặc không mang theo GPLX.

Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều tình huống có thể gây khó khăn, chẳng hạn như thiết bị di động hết pin, ứng dụng gặp lỗi hoặc khu vực không có kết nối internet. Không ít trường hợp các tài xế đã gặp rắc rối khi không thể xuất trình GPLX tích hợp do các vấn đề kỹ thuật kể trên. Vì vậy, dù GPLX trên VNeID được chấp thuận hợp lệ khi tham gia giao thông, việc xin cấp lại bản cứng bằng lái vẫn rất cần thiết.

GPLX được tích hợp trên VNeID có thể được sử dụng thay thế GPLX bản cứng 

Để đảm bảo quá trình lưu thông thuận lợi và tuân thủ theo quy định pháp luật, người tham gia giao thông khi làm mất GPLX bản cứng vẫn nên xin cấp lại giấy phép lái xe phòng trường hợp không mong muốn. 

Đặc biệt, thời hạn của GPLX là yếu tố quan trọng cần được người dân quan tâm. Hiện nay, hệ thống thời hạn GPLX được quy định rõ ràng trong các thông tư hiện hành và có những thay đổi kể từ ngày 1/1/2025. Việc cập nhật thông tin đầy đủ và chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại GPLX không chỉ giúp người dân chủ động mà còn tránh những phiền toái không đáng có trong quá trình lưu thông. Cụ thể như sau: 

- GPLX hạng A1, A2, A3 không có thời hạn;

- GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam (trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp);

- GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp;

- GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2025, khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 chính thức có hiệu lực thi hành, sẽ có một số thay đổi về phân hạng GPLX dẫn tới thay đổi thời hạn của GPLX. Cụ thể như sau:

- GPLX các hạng A1, A, B1 không có thời hạn;

- GPLX hạng B và hạng C1 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp;

- GPLX các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Nguồn: Dantri

Hồ sơ xin cấp lại GPLX 

Để xin cấp lại giấy phép lái xe ô tô bị mất, người dân lưu ý chuẩn bị trước hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:

- Bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hoặc hộ chiếu còn hiệu lực, có thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đối với công dân Việt Nam; đối với người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, yêu cầu hộ chiếu vẫn còn thời hạn sử dụng.

- Bản sao hộ chiều còn thời hạn sử dụng trên 6 tháng, kèm theo thẻ tạm trú, thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao, chứng minh thư công vụ dành cho người nước ngoài.

- Giấy chứng nhận sức khỏe của người lái xe, được cấp bởi cơ sở y tế có thẩm quyền theo quy định.

- Đơn yêu cầu đổi (cấp lại) GPLX theo mẫu quy định, có ghi rõ ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận.

- Bản chính hồ sơ gốc của GPLX bị mất (nếu có).

Thủ tục cấp lại giấy phép lái xe bản cứng không quá phức tạp, thường được trả kết quả nhanh 

Quy trình cấp lại GPLX tuy không phức tạp nhưng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ. Một số thông tin hữu ích dành cho người dân như sau:

  1. Thời gian xử lý hồ sơ: Thông thường, thời gian cấp lại GPLX sẽ kéo dài từ 5-7 ngày làm việc kể từ ngày nộp đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Nếu cần gấp, bạn nên liên hệ trước để biết về dịch vụ xử lý nhanh tại cơ quan tiếp nhận.
  2. Chi phí cấp lại: Phí cấp lại GPLX dao động tùy vào từng địa phương, bạn cần kiểm tra trước hoặc hỏi thông tin từ cán bộ tiếp nhận.
  3. Cách nộp hồ sơ: Bên cạnh việc nộp trực tiếp tại các đơn vị quản lý giao thông, bạn có thể lựa chọn nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian.

Kết luận 

Việc sử dụng bằng lái xe tích hợp trên VNeID giúp người dân thuận tiện hơn khi lưu thông, tuy nhiên để tránh các trường hợp bất cẩn như không đăng nhập được ứng dụng VNeID hay lỗi không mong muốn, người tham gia giao thông vẫn nên xin cấp lại giấy phép lái xe ô tô bị mất.

Trên đây là thông tin về việc xin cấp lại giấy phép lái xe và thủ tục cấp lại giấy phép lái xe mà Caready gửi đến bạn đọc, nếu bạn vẫn đang tìm kiếm thông tin thêm về việc xin cấp lại GPLX hoặc có nhu cầu mua bán xe ô tô, hãy liên hệ ngay Caready để nhận được sự hỗ trợ kịp thời và tận tình nhất. Caready luôn đồng hành cùng bạn trên mọi nẻo đường!


Bình luận

0/500