Chở đồ trên nóc xe như thế nào để không bị phạt?

Mục lục
Mục lục

Khi di chuyển về quê hoặc đi chơi xa bằng xe ô tô, nhiều người thường tận dụng nóc xe để chở đồ vì tính tiện lợi và không chiếm quá nhiều không gian trong xe. Tuy nhiên, việc chở đồ trên nóc xe cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí là bị phạt nếu không tuân thủ các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông. Vậy chở đồ trên nóc xe như thế nào để không bị phạt? Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu và phổ cập các mức phạt cho lỗi chở đồ quá khổ trên nóc xe. 

Chở đồ trên nóc xe như thế nào để không bị phạt?

Theo quy định về luật Giao thông đường bộ, việc chở đồ trên nóc xe sẽ tùy vào từng trường hợp, dòng xe và tình trạng đăng kiểm sẽ được quy định là lỗi vi phạm pháp luật hay không. Theo đó, đối với xe ô tô, chủ xe có thể chở đồ nếu xe có sẵn thanh ray (giá nóc) để chằng, buộc đồ lại; nếu xe không có sẵn thanh ray (giá nóc), chủ xe có thể lắp thêm với điều kiện phải đăng ký cải tạo với cơ quan đăng kiểm. 

Từ đầu năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành việc đăng kiểm 19 trường hợp cải tạo xe ô tô mà không cần lập hồ sơ thiết kế, trong đó có mục thay thế hoặc tháo bỏ giá nóc của xe ô tô. Việc này đồng nghĩa rằng chủ xe chỉ được miễn khâu lập hồ sơ thiết kế (bản vẽ và thuyết minh) và vẫn bắt buộc phải lập hồ sơ cải tạo, không được tự do lắp ráp thêm.

Chở đồ trên nóc xe như thế nào để không bị phạt?

Như vậy, đối với xe ô tô, xe con, chủ xe chỉ được chở đồ khi xe đủ điều kiện để chở (có thiết kế được cơ quan đăng kiểm chứng nhận). Ngoài ra, chủ xe cũng cần lưu ý về giới hạn của hàng hóa so với giá nóc, so với chiều dài, chiều rộng của xe, được ghi nhận theo điều 17 Thông tư 39/2024/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1 như sau: 

  • Chiều rộng được cho phép chở hàng hóa trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
  • Chiều dài được cho phép chở hàng hóa trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe và không lớn hơn 20m.

Mức phạt cho lỗi chở đồ trên nóc xe

Theo Bộ Công an, căn cứ tại điểm a Khoản 9 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định: 

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô thực hiện hành vi "tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".  

Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và Tem kiểm định của phương tiện từ 01 tháng đến 03 tháng.

Đối với lỗi chở đồ cồng kềnh quá khổ, mức phạt được quy định trong điều 34 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, theo đó chủ xe sẽ bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe có chở đồ trên nóc vượt quá khổ, giới hạn của xe được ghi trong giấy phép lưu hành; chở hàng vượt quá kích thước giới hạn xếp hàng hóa của xe tham gia giao thông; hoặc điều khiển xe có kích thước bao ngoài vượt quá kích thước giới hạn cho phép của xe theo quy định (trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng).

Lưu ý khi chở đồ trên nóc xe an toàn 

Để đảm bảo chuyến đi an toàn và thuận lợi, bạn cần lưu ý một số điều quan trọng, cũng như nắm rõ các quy định chở đồ trên nóc xe ô tô an toàn, tránh mắc lỗi phạt. 

1. Chọn loại giá nóc phù hợp

Để đảm bảo an toàn khi chở đồ trên nóc xe, chủ xe cần lưu ý sử dụng giá nóc chuyên dụng hoặc thanh baga được thiết kế riêng cho từng dòng xe. Những thiết bị này không chỉ giúp cố định đồ tốt hơn mà còn bảo vệ nóc xe khỏi trầy xước. Ngoài ra, để chắc chắn thì chủ xe cũng nên kiểm tra kỹ càng trước khi bắt đầu hành trình.

Nên lưu ý chọn loại giá nóc phù hợp để đảm bảo chuyến đi diễn ra suôn sẻ 

2. Kiểm tra tải trọng cho phép của nóc xe

Trước khi chở đồ trên nóc xe, cần kiểm tra kích thước và trọng lượng của hàng hóa. Chủ xe cần phải đảm bảo đồ đạc không quá cao hoặc quá rộng, tránh ảnh hưởng đến tầm nhìn của người lái và những người tham gia giao thông khác, làm mất ổn định xe trong quá trình di chuyển. Đồng thời, tải trọng cần tuân thủ đúng giới hạn cho phép của giá nóc và tổng tải trọng của xe để bảo đảm an toàn tuyệt đối.

3. Cố định đồ chắc chắn

Khi chở đồ trên nóc xe, hãy sử dụng các loại dây buộc chuyên dụng như dây dù hoặc dây ràng có móc khóa. Ngoài ra, chủ xe cũng phải đảm bảo tất cả vật dụng được cố định chắc chắn, tránh tình trạng trơn trượt khi xe phanh gấp hay chuyển hướng. Nếu di chuyển đường dài, chủ xe nên thường xuyên kiểm tra trong suốt chuyến đi để đảm bảo đồ đạc vẫn được được cố định chắc chắn, giúp an toàn giao thông cho bản thân và người xung quanh. 

Kết luận

Việc tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông sẽ giúp cho hành trình của bạn và người xung quanh an toàn và thoải mái hơn, tránh gặp những vấn đề vi phạm hoặc tình huống không mong muốn. Hy vọng bạn đã nắm rõ về việc chở đồ trên nóc xe có bị phạt không, cũng như những lưu ý chở đồ trên nóc xe an toàn nhất. 

Nếu bạn còn bất kì câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ trong quá trình mua xe ô tô, bán xe ô tô, đừng ngần ngại liên hệ Caready ngay bạn nhé!


Bình luận

0/500